TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Y DƯỢC BUÔN MA THUỘT

Bổ sung sắt ở phụ nữ có thai

20/01/2019 0 0

Thiếu sắt là một vấn đề phổ biến ở ở phụ nữ có thai (PNCT) và có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân thiếu sắt có thể liên quan tới việc thiếu hụt trong chế độ ăn, tăng nhu cầu tiêu thụ sắt của cơ thể (PNCT tăng nhu cầu sắt từ 5-7 lần), nhiễm ký sinh trùng gây chảy máu... Khi thiếu sắt trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, gây ảnh hưởng cho cả người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Theo ước tính của WHO (2008) có khoảng 41,8% PNCT trên toàn cầu bị thiếu máu, chủ yếu đến từ các nước kém hoặc đang phát triển. Điều tra của Viện dinh dưỡng quốc gia năm 2000 cho thấy 36,8 % phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu và 75 % thiếu máu ở phụ nữ có thai là do thiếu sắt. Một nghiên cứu riêng tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, Việt Nam năm 2016 cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở PNCT là 31,2% và cần đặc biệt chú ý đối với những phụ nữ trên 30 tuổi.

Bổ sung sắt ở PNCT là điều cần thiết để đảm bảo cho sức khỏe người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Theo hướng dẫn của WHO, khi bổ sung sắt cho PNCT thường uống kèm theo acid folic với liều 30-60 mg sắt nguyên tố và 0.4 mg acid folic, bổ sung folic được khuyến cáo càng sớm càng tốt. Các chế phẩm hiện nay trên thị trường thường kết hợp sẵn sắt và acid folic, tuy nhiên sắt thường ở dạng muối khác nhay, vì vậy có thể quy đổi theo bảng dưới để sử dụng đúng liều dùng theo khuyến cáo:

Dạng muối sắt

Liều tương đương với 60 mg sắt nguyên tố

Sắt sulfat (ngậm 6 phân tử nước)

300 mg

Sắt fumarat

180 mg

Sắt gluconat

500 mg

Sắt ascorbat

440 mg

Tuy nhiên việ sử dụng loại chế phẩm sắt cũng không dễ dàng ở PNCT vì  có những tác dụng phụ như buồn nôn, đặc biệt là táo bón là tác dụng phụ thường xuyên làm người dùng muốn ngưng thuốc... vì vậy nếu ở những người nhạy cảm và gặp nhiều tác dụng phụ thì nên sử dụng sắt ở các dạng dễ hấp thu như sắt gluconat, sắt ascorbat. Khi dùng các chế phẩm sắt, nên uống trong hoặc ngay sau bữa ăn để tránh kích ứng đường tiêu hóa và/hoặc có thể dùng kèm thêm vitamin C để tăng hấp thu.

Nguồn tham khảo

  1. Nguyễn Công Hiếu (2016). Thực trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai và một số yếu tố liên quan tại huyện đăk hà, tỉnh Kon Tum.
  2. https://suckhoedoisong.vn/me-thieu-mau-khi-mang-thai-con-lanh-du-hau-qua-n135282.html
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4233117/
  4. https://www.who.int/elena/titles/guidance_summaries/daily_iron_pregnancy/en/