Chuyên đề giáo dục sức khỏe:
PHẦN 1: CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN THƯỜNG GẶP Ở VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
Kỳ 1: Tổng quan các rối loạn tâm thần ở vị thành niên và thanh niên
Sức khỏe tâm thần không chỉ là không mắc bệnh lý tâm thần, mà đó là trạng thái mà cá nhân có thể thực hiện năng lực của mình, có thể thích nghi với những áp lực bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng.
Rối loạn tâm thần là tình trạng bất thường đủ nghiêm trọng về nhận thức, điều hòa cảm xúc, hay hành vi của một người; gây ra đau khổ hay mất khả năng trong công việc và hoạt động xã hội quan trọng khác.
Theo nhiều nghiên cứu khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên có một hoặc nhiều những rối loạn tâm thần có thể chẩn đoán được gây suy giảm chức năng. Khi trẻ càng lớn, càng có nhiều người bị một hoặc nhiều rối loạn. Khoảng 27,9% số thanh thiếu niên Hoa Kỳ từ 13 đến 17 tuổi có báo cáo đáp ứng các tiêu chí cho 2 rối loạn trở lên. Các nghiên cứu gần đây theo dõi trẻ em từ sơ sinh đến trưởng thành chỉ ra rằng hầu hết các rối loạn sức khỏe tâm thần ở người trưởng thành bắt đầu từ thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Các gen liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần đã được báo cáo là có biểu hiện cao trong suốt cuộc đời.
Một nghiên cứu khác ở trẻ 8-14 tuổi ở Mỹ cho thấy: 3,7% có rối loạn trầm cảm. 2,1% có rối loạn hành vi. 0,7% mắc rối loạn lo âu lan tỏa hoặc rối loạn hoảng sợ. 0,1% rối loạn ăn uông, chán ăn hoặc chứng ăn vô độ. Với giới trẻ, bệnh lý tâm thần có thể dễ dàng mắc phải do sử dụng các loại ma túy tổng hợp. Đáng lưu ý, sự cô lập với trẻ nhỏ, thói quen sử dụng internet quá nhiều của các gia đình cũng là yếu tố có thể gây nên một số chứng bệnh về tâm thần như: rối loạn chú ý, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn sự thích ứng, trầm cảm ở trẻ.
Người trẻ, khi gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ học sớm, vi phạm pháp luật, lạm dụng chất kích thích, chất gây nghiện, thậm chí có hành vi tự sát. Cho đến nay người ta thấy rằng chỉ có 20% những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần đi khám và chỉ có 20% trong số đó đi khám đúng chuyên khoa. Kết quả nghiên cứu "Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam" do Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy: Trong 12 tháng, 21,7% số trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó 3,3% đáp ứng các tiêu chí đối với một rối loạn. Phổ biến nhất là lo âu (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%). 8,4% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Ngoài 27% vị thành niên có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, có 1,4% trẻ vị thành niên cho biết có ý định tự sát.
Năm 2016, khảo sát học sinh 16-18 tuổi ở Hà Nội: có 21,4% trẻ em gái và 7,9% trẻ nam báo cáo có ý nghĩ tự sát trong 12 tháng trước đó. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ý định tự sát ở tuổi vị thành niên bao gồm bị lạm dụng và bỏ mặc từ khi còn bé, chứng kiến bạo lực gia đình hoặc bạo lực hàng xóm, xâm hại tài sản, bắt nạt trên mạng và tình trạng dân tộc thiểu số. Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy tỷ lệ tử vong do tự sát (từ 10 đến 14 tuổi) ở nữ giới tăng từ 0,5% năm 1999 lên 3,1% vào năm 2019; ở nam giới từ 1,9% lên 3,1%. Tự sát là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở trẻ từ 10 đến 24 tuổi.
Vì vậy vấn đề sức khỏe tâm thần trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe vị thành niên và thanh niên rất đáng quan tâm.
GS.TS.BS Cao cấp Cao Tiến Đức