Chuyên đề giáo dục sức khỏe:
PHẦN 1: CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN THƯỜNG GẶP Ở VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN
Kỳ 2: Một số rối loạn tâm thần thường gặp: Rối loạn trầm cảm - Rối loạn lo âu lan tỏa - Phản ứng với stress và rối loạn sự thích ứng
1. Rối loạn trầm cảm
- Rối loạn trầm cảm được đặc trưng bởi nỗi buồn hoặc khó chịu nghiêm trọng hoặc dai dẳng, đủ để ảnh hưởng đến chức năng hoặc gây ra phiền toái đáng kể. Các biểu hiện trầm cảm ở vị thành niên tương tự như ở người lớn nhưng có liên quan đến những mối quan tâm điển hình của trẻ em, như học tập và chơi đùa. Trẻ có thể không giải thích được cảm xúc bên trong hoặc tâm trạng. Trầm cảm nên được xem xét khi những đứa trẻ trước đây hoạt động tốt trở nên kém đi ở trường, rút khỏi xã hội, hoặc có hành vi phạm pháp.
Ở một số trẻ bị rối loạn trầm cảm, tâm trạng nổi trội là khó chịu hơn là nỗi buồn (một sự khác biệt quan trọng giữa tuổi nhỏ và người lớn). Sự khó chịu liên quan đến trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện như là hoạt động quá mức và hành vi hung hăng, chống lại xã hội. Ở trẻ khuyết tật trí tuệ, chứng rối loạn trầm cảm hoặc rối loạn khí sắc khác có thể biểu hiện như các triệu chứng của cơ thể và rối loạn hành vi.
Rối loạn trầm cảm chủ yếu là giai đoạn trầm cảm kéo dài ≥ 2 tuần, xảy ra ở khoảng 5% vị thành niên. Rối loạn trầm cảm chủ yếu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn sau tuổi dậy thì. Không điều trị, trầm cảm chủ yếu có thể thuyên giảm sau 6 đến 12 tháng. Lâm sàng, giống trầm cảm ở người lớn. Trầm cảm chủ yếu ở vị thành niên là một yếu tố nguy cơ cho sự thất bại trong học tập, lạm dụng chất gây nghiện, và hành vi tự sát. Trong khi chán nản, trẻ em và vị thành niên có khuynh hướng tụt hậu xa về mặt học tập và mất các mối quan hệ quan trọng. Trong trầm cảm nặng, các triệu chứng loạn thần có thể xuất hiện.
- Chẩn đoán rối loạn trầm cảm dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Tiền sử bao gồm các yếu tố gây bệnh như bạo lực gia đình, nghiện và lạm dụng tình dục và các tác dụng phụ của thuốc. Có thể sử dụng thang HAMD, DASS-21 để sàng lọc.
- Điều trị: Đối với vị thành niên, thường là thuốc chống trầm cảm cộng với liệu pháp tâm lý. Đối với thanh thiếu niên (như người lớn), sự kết hợp của liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm thường có hiệu quả cao hơn phương thức sử dụng đơn lẻ. Kích thích từ xuyên sọ có thể sử dụng. Cũng như ở người lớn, sự tái phát là phổ biến. Trẻ em và vị thành niên nên được điều trị trong ít nhất 1 năm sau khi các triệu chứng đã hết. Hầu hết các chuyên gia khuyến cáo rằng trẻ em có trải qua ≥ 2 giai đoạn trầm cảm chủ yếu được điều trị vô thời hạn.
2. Rối loạn lo âu lan tỏa
- Rối loạn lo âu lan tỏa là một trạng thái dai dẳng của sự lo lắng gia tăng và được đặc trưng bởi lo lắng, sợ hãi và kinh sợ quá mức. Trẻ bị rối loạn lo âu lan tỏa có lo lắng nhiều và lan rộng, chúng trầm trọng bởi những căng thẳng. Những trẻ em này thường khó có thể chú ý và có thể tăng động và bồn chồn. trẻ có thể ngủ kém, đổ mồ hôi quá nhiều, cảm thấy kiệt sức, và phàn nàn về sự khó chịu của cơ thể (ví dụ, đau dạ dày, đau cơ, nhức đầu, đau vùng trước tim, khó thở, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật: vã mồ hôi, nôn, buồn nôn, mạch huyết áp dao động…). Sống trong không gian hạn chế với các thành viên trong gia đình hàng tuần đến hàng tháng, cha mẹ mất việc làm và sự không chắc chắn
- Chẩn đoán: Rối loạn lo âu lan tỏa được chẩn đoán ở thanh thiếu niên có các triệu chứng lo âu nổi bật và làm suy giảm mà không tập trung đủ để đáp ứng các tiêu chí cho một rối loạn cụ thể như rối loạn lo âu xã hội hoặc rối loạn hoảng sợ. Lo lắng quá mức khiến bệnh nhân khó kiểm soát. Các triệu chứng xuất hiện nhiều ngày hơn 6 tháng. Các triệu chứng gây ra đau khổ nghiêm trọng hoặc làm suy giảm chức năng xã hội hoặc ở trường. Các tiêu chí trên phải đi kèm với ≥ 1 trong các điều kiện sau: Cảm giác bồn chồn hoặc căng thẳng hoặc bực dọc. Có thể sử dụng thang Zung, thang rối loạn lo âu chung-7 [GAD-7] hoặc DASS-21 để sàng lọc. Dễ bị mệt mỏi, khó tập trung, cáu gắt, căng cơ, rối loạn giấc ngủ. Đôi khi rối loạn lo âu lan tỏa có thể bị nhầm lẫn với rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý (ADHD).
- Điều trị: Liệu pháp thư giãn, thuốc chống lo âu, thường là các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).
3. Phản ứng với stress và rối loạn sự thích ứng
Stress là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi hàng ngày cũng như trong các phương tiện truyền thông. Stress đôi khi được dùng để chỉ một nguyên nhân, một tác nhân kích thích làm cơ thể khó chịu, ngoài ra stress còn được dùng để chỉ hậu quả của tác nhân công kích này. Bao gồm: phản ứng stress cấp, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn sự thích ứng, các phản ứng với stress trầm trọng khác.
- Phản ứng stress cấp là một trạng thái cấp tính của stress được đặc trưng bởi một rối loạn tâm thần nhất thời, rất trầm trọng, phát triển ở một cá nhân đáp ứng lại stress với một thể chất căng thẳng hoặc một trạng thái tâm thần đặc biệt và mất đi trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Nguyên nhân do các stress cấp diễn và đủ lớn hoặc kéo dài.
Lâm sàng: Xuất hiện ngay sau chấn thương tâm thần mạnh, có thể thay đổi từ kích động sang bất động trong một thời gian ngắn, bao giờ cũng kèm theo tình trạng rối loạn thần kinh thực vật… Thời gian từ vài phút đến vài ngày. Có thể gặp thể bất động hoặc thể kích động. Kèm theo các rối loạn thần kinh thực vật: vã mồ hôi, mạch nhanh, co cứng cơ, đái dầm…
Chẩn đoán: Bệnh xuất hiện ngay hoặc một thời gian ngắn sau stress. Nội dung các triệu chứng loạn thần có liên quan trực tiếp và phản ánh sâu sắc nội dung của stress.
Điều trị: Nhanh chóng đưa bệnh nhân thoát khỏi môi trường gây stress. Hỗ trợ tâm lý, thuốc bình thần, chống trầm cảm, nâng đỡ cơ thể. Điều trị đúng, bệnh khỏi nhanh và hoàn toàn.
- Rối loạn stress sau sang chấn là các rối loạn phát sinh như một đáp ứng trì hoãn sau chấn thương tâm lý có tính chất đe dọa hoặc thảm họa đặc biệt và có thể gây đau khổ lan tràn cho bất cứ ai, xuất hiện từ vài tuần đến vài tháng, tối đa là dưới 6 tháng sau stress. Có thể tiến triển thuận lợi (khỏi bệnh) hoặc dao động (tái phát tăng hoặc giảm bệnh). Một số ít có thể kéo dài và để lại biến đổi nhân cách.
Lâm sàng: Các triệu chứng lâm sàng của rối loạn stress phát triển có liên quan với yếu tố chấn thương tâm lý quá mạnh, tác động trực tiếp tới người bệnh. “Mảnh hồi tưởng" là nhớ lại miễn cưỡng hoàn cảnh sang chấn lặp đi lặp lại, các giấc mơ thức hoặc giấc mơ ngủ, sống lại cơn ác mộng trên nền tảng "tê cóng" và sự cùn mòn cảm xúc, xa lánh mọi người, mất thích thú, né tránh hoàn cảnh gợi lại chấn thương, không đáp ứng với môi trường xung quanh. Đây là triệu chứng điển hình của rối loạn stress sau sang chấn.
Chẩn đoán: Có yếu tố stress trong khoảng thời gian 6 tháng, có triệu chứng điển hình "mảnh hồi tưởng" về stress. Kèm theo các rối loạn cảm xúc và rối loạn thần kinh thực vật.
Điều trị: liệu pháp tâm lý, thuốc giải lo âu và rối loạn giấc ngủ.
- Rối loạn sự thích ứng là các trạng thái đau khổ chủ quan và rối loạn cảm xúc, thường gây trở ngại cho hoạt động xã hội và hiệu suất lao động, nổi lên trong thời kỳ thích ứng với sự thay đổi đáng kể trong đời sống hoặc hậu quả của một sự kiện đời sống gây stress (bao gồm các bệnh cơ thể nặng hiện có hay có thể có).
Đặc điểm lâm sàng nổi bật của rối loạn sự thích ứng là các rối loạn về khí sắc, thường xuất hiện trong vòng 1 tháng sau khi xảy ra sự kiện gây stress và kéo dài không quá 6 tháng. Bệnh nhân buồn rầu, lo lắng, cảm giác không có khả năng đối phó, dự định trước hoặc tiếp tục hoàn cảnh thực tại. Trẻ em xuất hiện hành vi chống xã hội nhưng không đặc hiệu.
Chẩn đoán: Có yếu tố gây sang chấn trong vòng 3 tháng trước đó. Các rối loạn cảm xúc và hành vi có liên quan với stress. Yếu tố nhân cách và tiền sử của bệnh nhân. Có thể sử dụng DASS-21 để sàng lọc.
Điều trị: Điều trị rối loạn giấc ngủ, bình thần, tăng cường thể trạng, nâng cao sức đề kháng, liệu pháp tâm lý cá nhân hoặc kết hợp với liệu pháp gia đình.
GS. TS. Cao Tiến Đức