Ngày 31/1/2020 tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch viêm phổi cấp ở Vũ Hán là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) và đây cũng là lần thứ 6 trong lịch sử.
Hình 1: 6 Lần WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Tom Solomon, người đứng đầu Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia tại Đại học Liverpool, dịch SARS 2002-2003 là căn nguyên dẫn đến việc tạo ra PHEIC. SARS cướp đi sinh mạng của hơn 700 người và ghi nhận hơn 8.000 trường hợp nhiễm bệnh. Nhưng tính tới thời diểm ngày 9/2/2020 đã có 37.552 người nhiễm và 813 người tử vong, những con số này vẫn còn chưa có dấu hiệu dừng lại. Dựa vào 5 lần công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu thì các chuyên gia đã đưa ra các dự đoán về các viễn cảnh có thể xảy ra đối với dịch nCoV lần này:
Viễn Cảnh 1: 2019-nCoV Có Thể Sẽ Còn Với Chúng Ta Cho Đến Cuối Năm 2020.
2019-nCoV sẽ được kiểm soát sau 1 năm. Dịch bệnh truyền nhiễm sẽ chấm dứt khi nào giới khoa học có vaccine. Nhưng cho đến nay thì thế giới chưa có vaccine cho 2019-nCoV. Tuy hiện nay đã có vài thử nghiệm vaccine, nhưng cũng phải chờ ít nhất là 1 năm để vaccine có mặt trên thị trường. Do đó, chỉ còn một biện pháp kiểm soát tốt nhất là y tế công cộng. Nhiều nước đã triển khai một số biện pháp như khu trú và phong tỏa ổ dịch, tầm soát và phát hiện sớm, hay thậm chí biện pháp mạnh như không tiếp nhận du khách từ Trung Quốc (Úc và Mĩ).
Trước đây, dịch SARS xảy ra vào tháng 2/2003, và các biện pháp can thiệp y tế công cộng được triển khai nhanh chóng. Đến giữa tháng 7/2003 thì đa số các nước tuyên bố là đã dứt dịch, và đến đầu năm 2004 thì SARS coi như chấm dứt. Do đó, với biện pháp y tế công cộng như hiện nay, dịch Vũ Hán có thể sẽ còn với chúng ta cho đến cuối năm 2020.
Viễn cảnh 2: 2019-nCoV ‘tàn lụi’ khi virus không tìm thấy người lí tưởng để nhiễm
2019-nCoV sẽ ‘mệt’ sau khi lây nhiễm đa số những người có nguy cơ cao. Đó là trường hợp đã xảy ra với dịch Zika 2016, thoạt đầu chúng lây nhiễm rất nhiều người (hơn 35000 ca), nhưng đến khi kí chủ không còn bao nhiêu thì dịch bắt đầu suy giảm. Mặc dù các giới chức y tế cho biết Zika vẫn còn đó, nhưng chúng không còn lan nhiễm như trước đây. Giới dịch tễ học xem dịch bệnh truyền nhiễm như lửa; mà trong đó virus là ngọn lửa và con người là củi. Đến một lúc nào đó thì ngọn lửa sẽ tàn khi củi không còn nữa. Tương tự, dịch bệnh truyền nhiễm sẽ ‘tàn lụi’ khi virus không tìm thấy người lí tưởng để nhiễm.
Viễn cảnh 3: chấp nhận sống chung với một thành viên thứ 5 trong gia đình coronavirus
2019-nCoV sẽ trở thành một trong đại gia đình virus thông thường với chúng ta. Giới truyền nhiễm học cho biết H1N1 trước đây (2009) bùng phát thành một đại dịch (pandemic), nhưng sau một thời gian thì nó trở thành một phần của quần thể virus sống chung với cộng đồng con người. Hiện nay, đã có 4 chủng coronavirus sống chung với cộng đồng con người và gây ra cảm cúm mỗi năm. Mặc dù chúng ta chẳng ai muốn có thêm một con corona, nhưng chúng ta cũng khó có thể tiêu diệt chúng hoàn toàn, và có thể chúng ta phải chấp nhận sống chung với một thành viên thứ 5 trong gia đình coronavirus.
Trong 3 kịch bản trên có lẽ viễn cảnh 3 là thực tế nhất. Nhiễm trùng là hệ quả của sự cạnh tranh vì sinh tồn giữa kí sinh vật và kí chủ. Cần nhấn mạnh rằng vi khuẩn là những sinh vật, và vì thế chúng đã, đang và sẽ tồn tại trong môi trường sống và ‘song hành’ cùng chúng ta chừng 3 tỉ năm. Hiện nay, theo Gs Stefan Kaufmann (chuyên gia về vi sinh học), chúng ta sống chung với khoảng 500,000 đến 1 triệu bacteria và 5000 virus species (đa số chúng ta không biết gì về chúng). năm 1969, Bộ trưởng y tế Mĩ, William H. Stewart, tuyên bố rằng “Bây giờ chúng ta có thể nói rằng bệnh truyền nhiễm đã được khống chế hoàn toàn. Đã đến lúc chúng ta đóng sổ căn bệnh này.” Thế nhưng sức mạnh của chọn lọc tự nhiên đã làm cho lời tuyên bố đó trở thành khôi hài! Thực tế phũ phàng là chúng có khả năng thích nghi với bất cứ hóa chất nào mà con người dùng để tiêu diệt chúng. Vấn đề không phải là khử trừ tất cả bacteria và virus từ môi trường (vì điều này hoàn toàn phi thực tế), mà tìm cách giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm thấp nhất và sống chung hòa bình với chúng
*Theo Nguyễn Văn Tuấn, thành viên của Australian Academy of Health and Medical Science.